Sáng ngày 03/04/2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức khai mạc chuỗi hoạt động năm 2024 của dự án VLIR–SI và có buổi tập huấn đầu tiên với chủ đề: Phát triển ứng dụng VR/AR dưới góc độ giáo dục
Tham dự buổi khai mạc và tập huấn, về phía ban điều phối dự án có sự tham gia của: G.S Martin Valcke – Đại học Ghent, Vương quốc Bỉ – Đồng điều phối dự án; G.S Tammy Schellens Đại học Ghent, Vương quốc Bỉ – Đồng điều phối dự án.
Về phía Học viện có: PGS.TS Trần Quang Anh – Phó giám đốc Học viện; PGS.TS Hoàng hữu Hạnh – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế; Cùng các thầy cô khoa Đa phương tiện, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT, chuyên viên Trung tâm Đào tạo Quốc tế.
Phát biểu tại buổi khai mạc, PGS.TS Trần Quang Anh – Phó giám đốc Học viện – Phó trường ban điều phối dự án VLIR-SI bày tỏ niềm vui và vinh hạnh khi PTIT lần đầu tiên được tiếp nhận dự án thuộc khuôn khổ tài trợ của VLIR-UOS cho các sáng kiến vừa và nhỏ về “Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện cho nông hộ thông qua các giải pháp đa phương tiện” – Dự án VLIR-SI và đã được triển khai bắt đầu từ tháng 9 năm 2023, do Trung tâm Đào tạo Quốc tế của PTIT chịu trách nhiệm điều phối thực hiện.
PGS.TS Trần Quang Anh cũng hy vọng qua buổi tập huấn này, các cán bộ, giảng viên với vai trò là học viên sẽ có thêm những kiến thức và tích luỹ kinh nghiệm trong phát triển các tài liệu, sản phẩm Thực tế ảo và Thực tế ảo tăng cường (AR/VR) với cách tiếp cận dựa trên các quan điểm sư phạm, giáo dục và tâm lý.
Trong buổi tập huấn đầu tiên này, G.S Martin Valcke – Đại học Ghent đã trao đổi chuyên môn về VR/AR, nâng cao kiến thức về thiết kế và xây dựng các bài giảng ứng dụng VR/AR. Các học viên được xem các ví dụ thực tiễn và thực hành trực tiếp để hiểu rõ hơn về công nghệ cũng như cách ứng dụng hiệu quả vào thực tế.
Buổi tập huấn thứ 2 với chủ đề “Thực hành về đồng sáng tạo nội dung VR/AR với Phụ nữ và Đoàn Thanh niên” sẽ được tổ chức tại Ninh Bình vào ngày 04/04 – 05/04 với mục đích giúp đối tượng phụ nữ và thanh niên tại địa phương nâng cao hiểu biết về VR/AR, trang bị các kỹ năng thiết yếu để tham gia vào quy trình sáng tạo và phát triển nội dung VR/AR.