Lưu học sinh Lào là những du học sinh người Lào được tiếp nhận học tập tại Việt Nam. Hiện nay nước ta có hơn 14000 lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam với các chuyên ngành đa dạng như đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, thực tập ngắn hạn… Nhiều thế hệ lưu học sinh Lào sau khi tốt nghiệp tại Việt Nam đã trở về nước làm việc, nắm giữ các chức vụ quan trọng trong cơ quan và còn đóng góp cho quá trình phát triển đất nước.
Dành sự ưu tiên và tình cảm cho lưu học sinh Lào
Sự bất đồng ngôn ngữ và lượng kiến thức khổng lồ là một điều không hề dễ dàng để hòa nhập môi trường học tập cũng như đời sống sinh hoạt nơi đây. Thế nhưng, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà trường cùng các thầy cô giáo và các bạn sinh viên Việt Nam, những lưu học sinh Lào đã từng bước hòa nhập, quyết tâm rèn luyện, nỗ lực trong học tập với ước mong mang kiến thức về phục vụ đất nước trong tương lai.
Các trường đại học ở Việt Nam còn xây dựng ký túc xá dành riêng cho lưu học sinh Lào nhằm đảm bảo chất lượng ăn ở, học tập; ngoài ra còn tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động văn hóa, thể thao, y tế…
Và để các em tiếp thu kiến thức chuyên ngành tốt, nhà trường luôn phân công các thầy, cô giáo dày dặn kinh nghiệm trong công tác để truyền đạt kiến thức cho các em; thành lập các nhóm sinh viên Việt Nam giúp đỡ các bạn lưu học sinh Lào trong quá trình học tập, chú trọng công tác thực hành để các em trau dồi kiến thức.
Sự nhiệt tình, chân thành, hiếu khách của các thầy cô, người dân Việt Nam chính là động lực thu hút và động viên các lưu học sinh Lào, khiến họ cảm nhận được Việt Nam như quê nhà của họ. Nhiều gia đình Lào có các thế hệ cùng sang học tại Việt Nam, các thế hệ đi trước tin tưởng gửi gắm con em mình sang “nhờ các thầy cô Việt Nam rèn giũa”.
Tổ chức các hoạt động cho lưu học sinh Lào
Mặc dù xa nhà nhưng các lưu học sinh Lào vẫn được đón những dịp lễ đặc biệt khi ở Việt Nam: Lễ té nước, Lễ buộc chỉ cổ tay, Tết Bunpimay,…
Tết Bunpimay của người Lào được xem là lễ hội có ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, thanh khiết cho cuộc sống con người. Bunpimay còn được gọi là hội té nước. Trong lễ này người dân Lào có quan niệm té nước là để tẩy rửa những gì không tốt, không may mắn trong năm cũ với mong muốn năm mới có nhiều điều may mắn và hạnh phúc hơn.
Nghi thức té nước được tái hiện tại Ngày hội giao lưu văn hóa Campuchia – Lào – Việt Nam.
Các bạn sinh viên Việt Nam và Lào cùng buộc chỉ cổ tay và chúc phúc cho nhau. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)
Không chỉ vậy còn có rất nhiều các hoạt động văn nghệ giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt – Lào.
Học sinh Lào tại Việt Nam biểu diễn các điệu múa cổ truyền. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Với việc tạo điều kiện tốt nhất, chăm lo đến đời sống tinh thần cho các lưu học sinh Lào, chú trọng việc dạy học và phát triển. Việt Nam luôn là nơi đào tạo và nâng cao năng lực cho nước bạn Lào. Từ đó, thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa hai nước Việt Nam – Lào.